Luật doanh nghiệp xã hội sửa đổi


Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 này. Một trong điểm mới của Dự thảo Luật này là quy định về tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội. Sau rất nhiều năm chờ đợi, cộng đồng doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam đã đứng trước một cơ hội mang tính chất bước ngoặt, lần đầu tiên doanh nghiệp xã hội được công nhận về mặt pháp lý.

DOANH NGHIỆP XÃ HỘI LÀ GÌ?

Vậy doanh nghiệp xã hội là gì, có đặc điểm như thế nào và ở Việt Nam hiện nay có những loại hình doanh nghiệp doanh nghiệp xã hội nào?
Doanh nghiệp xã hội được hiểu một cách chung nhất là những doanh nghiệp hoạt động không vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Nó được thành lập với mục tiêu là để giải quyết một vấn đề xã hội nào đó mà doanh nghiệp đó theo đuổi, phần lớn lợi nhuận thu được dùng để phục vụ mục tiêu xã hội và môi trường.
Một số đặc điểm của doanh nghiệp xã hội:
Doanh nghiệp xã hội có những điểm đặc thù khác với đặc điểm của các hình thức kinh doanh, tổ chức phi lợi nhuận và các cơ quan quản lý nhà nước:
- Trực tiếp giải quyết các vấn đề xã hội và góp phần làm tăng những giá trị tốt đẹp mang bản sắc chung của toàn xã hội thông qua hàng hóa, dịch vụ hoặc hỗ trợ những người gặp hoàn cảnh khó khăn nhưng được doanh nghiệp tuyển dụng. Các vấn đề xã hội thường được quan tâm là bảo vệ giá trị văn hóa, tôn trọng các quan hệ xã hội, bảo vệ môi trường, cứu trợ, quyên góp, hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn, giải quyết các xung đột trong gia đình, cộng đồng…hoặc làm lành mạnh các quan hệ xã hội. Nghĩa là các doanh nghiệp xã hội góp phần bảo vệ và phát huy những điều hay, lẽ phải và những giá trị xã hội nhưng chúng không phải là những tổ chức từ thiện hoặc tổ chức “cứu tế cứu đói” thuần túy.
- Tạo nguồn thu đáng kể từ các hoạt động mang tính kinh doanh. Đây là điểm gần như tương đồng với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hoặc cả các tổ chức phi lợi nhuận hoặc với doanh nghiệp có mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xã hội có quyền hành kinh doanh để bù đắp chi phí và phát triển các giá trị xã hội, tuyệt nhiên không phải để tối đa hóa lợi nhuận. Do đó, các doanh nghiệp này cũng cần có chiến lược vận hành nói chung và chiến lược phát triển tổng thể nói chung khác cơ bản so với các doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận.
- Lấy việc mang lại những giá trị tốt đẹp đối với toàn xã hội làm mục tiêu cơ bản và bản chất của doanh nghiệp cũng như lợi thế so với các doanh nghiệp khác. Những giá trị tốt đẹp của toàn xã hội được thể hiện ở phát triển quan hệ tình cảm tốt đẹp giữa người với người trong xã hội, những quy tắc ứng xử, chuẩn mực và đạo đức xã hội…được mọi người tôn trọng và tuân thủ như các hoạt động cứu trợ, từ thiện, quyên góp ủng hộ nhân dân vùng bị thảm họa thiên nhiên…
Như vậy, các doanh nghiệp xã hội có phạm vi hoạt động khá rộng và có mối liên kết rộng rãi cũng như liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau. Sự tồn tại của nó gắn liền với các vấn đề xã hội và mục tiêu cơ bản của nó không phải là lợi nhuận mà là để bảo vệ và phát triển những giá trị xã hội, làm sâu sắc thêm hệ số giá trị xã hội cũng như giải quyết các vấn đề phức tạp về mặt xã hội mà các doanh nghiệp hoặc tổ chức lợi nhuận không thực hiện vì không phải nhằm tối đã hóa lợi nhuận.
Doanh nghiệp xã hội có chức năng độc lập nhưng lại có sự phụ thuộc rất lớn vào sự ủng hộ của dư luận xã hội, chính phủ, cộng đồng và các đối tượng hữu quan khác. Từ những đặc điểm trên, có thể thấy quản lý doanh nghiệp xã hội rất phức tạp vì phải đồng thời thực hiện cả mục tiêu tài chính và mục tiêu xã hội trong đó mục tiêu xã hội được ưu tiên nhất.

CÓ NHỮNG LOẠI DOANH NGHIỆP XÃ HỘI NÀO ?

Doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận (Non-profit Social Enterprises)

Các doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận thường hoạt động dưới các hình thức như: trung tâm, hội, quỹ, câu lạc bộ, tổ/nhóm tự nguyện của người khuyết tật, người chung sống với HIV/AIDS, phụ nữ bị bạo hành... Hầu hết các doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận được phát triển lên từ nền tảng NGO, bên cạnh đó cũng có một số xác định được mô hình ngay từ khi thành lập. Do vậy, tuy rất giống với các tổ chức NGO truyền thống, nhưng điểm khác biệt ở các doanh nghiệp phi lợi nhuận là khả năng đưa ra được những giải pháp mới và sáng tạo để giải quyết các vấn đề mà cả xã hội đang quan tâm. Nói cách khác, họ đưa ra những giải pháp có tính cạnh tranh cao để giải quyết những nhu cầu xã hội cụ thể, do đó có thể thu hút nguồn vốn đầu tư của những cá nhân và tổ chức đầu tư vì tác động xã hội (social impact investors).
Các doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận làm tốt vai trò xúc tác để huy động nguồn lực từ cộng đồng để cải thiện đời sống cho những cộng động chịu thiệt thòi. Có thể chia doanh nghiệp xã hội loại này thành ba nhóm dựa trên phương thức hoạt động, mục tiêu, hiệu quả xã hội và nguồn tài trợ:
- Doanh nghiệp xã hội cung cấp dịch vụ, sản phẩm có hiệu quả cao trong việc giải quyết các vấn đề xã hội và được một một bên thứ ba thường là cộng đồng, hoặc nhà đầu tư xã hội tài trợ cho các hoạt động đó. Nói cách khác, doanh nghiệp xã hội loại này như một người làm thuê độc lập, tự chủ, đóng vai trờ xúc tác, kết nối nguồn lực và mục tiêu xã hội.
- Doanh nghiệp nhắm tới mục tiêu đem hàng hóa/dịch vụ công  tới những người chịu thiệt thời và dễ bị tổn thương nhất vè kinh tế, những người không được tiếp cận hay không đủ khả năng chi trả cho các dịch vụ theo mức giá thông thường. Mục tiêu của những doanh nghiệp này là đáp ứng yêu cầu và quyền của người dân đang bị những mô hình kinh doanh và cơ chế hiện tại bỏ qua.
-  Doanh nghiệp tạo việc làm cho những nhóm yếu thế và lề hóa của xã hội như những người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, người mãn hạn tù…phần lớn các doanh nghiệp xã hội thuộc loại này đổi mới từ tổ chức NGO bằng cách thành lập thêm một nhánh kinh doanh bên trong tổ chức, hoặc thành lập một doanh nghiệp kinh doanh, với lợi nhuận được sử dụng để tài trợ một phần chi phí của tổ chức.

 Doanh nghiệp xã hội không vì lợi nhuận (Not-for-profit Social Enterprises)

Đa số các doanh nghiệp loại này do các doanh nhân xã hội sáng lập, với sứ mệnh xã hội được công bố rõ ràng. Ngay từ đầu, doanh nghiệp đã xác định rõ sự kết hợp bền vững giữa sứ mệnh xã hội với mục tiêu kinh tế, trong đó mục tiêu kinh tế là phương tiện để đạt mục tiêu tối cao là phát triển xã hội. Lợi nhuận thu được chủ yếu để sử dụng tái đầu tư hoặc để mở rộng tác động xã hội của doanh nghiệp. Việc đưa ra các giải pháp sáng tạo và áp dụng đòn bẩy của thị trường để giải quyết vấn đề xã hội và các thách thức trong lĩnh vực môi trường là điểm khác biệt so với các tổ chức xã hội từ thiện hay các doanh nghiệp thông thường. Phần lớn các doanh nghiệp xã hội thuộc loại này có thể tự vững bằng nguồn thu từ hoạt động kinh doanh và dịch vụ của họ. Có thể nói, đây là lực lượng ‘tinh túy' của khối doanh nghiệp xã hội.

Doanh nghiệp xã hội không vì lợi nhuận thường đăng ký hoạt động dưới các hình thức Công ty TNHH hoặc Công ty cổ phần, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Một trong những nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp này đăng ký dưới hình thức công ty là họ không muốn xã hội nhìn nhận như đơn vị ‘đi xin' lòng từ thiện của cộng đồng. Họ nhìn thấy cơ hội tạo giá trị vật chất từ những hàng hóa và dịch vụ giàu nhân văn mà họ cung cấp cho cộng đồng. Bên cạnh đó, việc hoạt động như những công ty giúp họ tiếp cận những nguốn vốn và cơ hội kinh doanh đa dạng hơn là một tổ chức từ thiện đơn thuần. Tuy nhiên, do sứ mệnh xã hội mà họ theo đuổi, các doanh nghiệp xã hội loại này đối mặt với một số thách thức đặc thù so với các doanh nghiệp thông thường khác:
- Mục tiêu xã hội không cho phép họ “tối đa” hóa lợi nhuận bằng mọi cách. Thay vào đó, phương châm của họ là “tối ưu” hóa lợi nhuận.
- Bên cạnh đó, những chi phí kinh doanh như những doanh nghiệp thông thường, doanh nghiệp xã hội phải chi những “chi phí xã hội” rất lớn.
- Do bản chất “hỗn hợp” của mình, doanh nghiệp xã hội thường có nguồn vốn đầu tư khá đa dạng. Bên cạnh vốn đầu tư thương mại thông thường, có thể tiếp nhận các nguồn vốn ưu đãi dưới dạng vay dài lãi xuất thấp, vốn cổ tức xã hội, hay vốn tài trợ không hoàn lại. Mặc dù vậy, việc hiện chưa có quy định rõ ràng trong việc tiếp nhận các khoản vốn tài trợ và vốn vay ưu đãi từ các nhà đầu tư xã hội đang làm cho các doanh nghiệp lúng túng trong giải trình thuế và hạch toán kinh doanh.
- Doanh nghiệp xã hội áp dụng thước đo hiệu quả khác với doanh nghiệp thông thường. Nên cạnh giá trị vật chất, giá trị xã hội mà nó mang lại cho công đồng là giá trị tối đa và cần được đo lường và ghi nhận cụ thể.

Doanh nghiệp có định hướng xã hội, có lợi nhuận (Social Business Ventures)

Mô hình này đặc biệt phổ biến trong lĩnh vực tài chính vi mô với các ví dụ như Grameen Bank và BRAC ở Bangla­desh, SKS Microfinance ở Ấn độ, Bina Swadaya ở Indonesia, KIVA ở Mỹ... Ở Việt Nam, chúng ta cũng có hàng ngàn tổ chức tài chính vi mô cơ sở mà điển hình nhất là các Quỹ TYM (Trung ương hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) và CEP (Liên đoàn Lao động TP HCM). Một số đặc điểm của các doanh nghiệp xã hội loại này là:
- Khác với mô hình doanh nghiệp phi lợi nhuận và không vì lợi nhuận, các doanh nghiệp xã hội ở loại hình thứ ba này ngay từ ban đầu đã nhìn thấy cơ hội và chủ trương xây dựng mình trở thành doanh nghiệp có lợi nhuận với sứ mệnh tạo động lực cho những biến đổi mạnh mẽ trong xã hội hoặc bảo vệ môi trường.
- Mặc dù có tạo ra lợi nhuận và cổ đông được chia lợi tức, nhưng các doanh nghiệp xã hội này không bị chi phối bởi lợi nhuận. Nói cách khác mục đích chính của nó không phải là tối đa hóa thu nhập tài chính cho các cổ đông, thay vào đó là mục tiêu xã hội/ môi trường mà mọi cổ đông đều chia sẻ giá trị chung. Một phần đáng kể lợi nhuận thu được dùng để tái đầu tư hoặc để trợ cấp cho các nhóm dân cư có thu nhập thấp khiến cho doanh nghiệp xã hội có thể tiếp cận và mang lại lợi ích cho nhiều người hơn.
- Doanh nghiệp thường tìm những nhà đầu tư quan tâm đến cả lợi ích vật chất và lợi ích xã hội. Họ ít sử dụng các khoản hỗ trợ không hoàn lại cho các hoạt động chính của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp xã hội loại này thường hoạt động dưới các hình thức: Công ty TNHH, Hợp tác xã, Tổ chức tài chính vi mô..

DỰ THẢO LUẬT QUY ĐỊNH NHỮNG GÌ ?

Theo Dự thảo Luật Doanh nghiệp được Chính phủ trình quốc hội, quy định về tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội: (1) doanh nghiệp xã hội phải đáp ứng các tiêu chí : là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp; mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng; sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký; (2) Ngoài các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo quy định của Luật này, doanh nghiệp xã hội có các quyền và nghĩa vụ sau đây: duy trì mục tiêu và điều kiện quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều này trong suốt quá trình hoạt động; trường hợp doanh nghiệp đang hoạt động muốn chuyển thành doanh nghiệp xã hội hoặc doanh nghiệp xã hội muốn từ bỏ mục tiêu xã hội, môi trường, không sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư thì doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền để tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật; chủ sở hữu doanh nghiệp, người quản lý của doanh nghiệp xã hội được xem xét tạo thuận lợi và hỗ trợ trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật; được huy động và nhận tài trợ dưới các hình thức khác nhau từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác của Việt Nam và nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động của doanh nghiệp; không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký. Chính phủ sẽ quy định chi tiết về doanh nghiệp xã hội.

----------------
Nguồn:
1. Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam, khái niệm, bối cảnh và chính sách của tác giả Nguyễn Đình Cung, Lưu Minh Đức, Phạm Kiều Oanh, Trần Thị Hồng Gấm;
2. Tiềm năng phát triển doanh nghiệp xã hội tại Việt nam, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Trường đại học kinh tế quốc dân.

Nhận xét